I. ĐỊNH NGHĨA :
Phương pháp là những cách thức tiến hành để có hiệu quả cao, giúp đạt tới mục đích đã đề ra. Muốn đạt tới mục đích cách chính xác, dễ dàng và ít tốn công sức . . . ta phải tìm ra phương pháp hữu hiệu.
Phương pháp giáo dục của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhằm đạt được mục đích giáo dục đoàn sinh NÊN NGƯỜI và NÊN THÁNH, là 2 phương pháp : Siêu nhiên và Tự nhiên.
II. PHƯƠNG PHÁP SIÊU NHIÊN :
Là dùng những công việc có tính cách đạo đức, tôn giáo, kết hợp với Bí Tích Thánh Thể để giúp các đoàn sinh sống thân mật với Chúa mỗi ngày trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn. Phương pháp siêu nhiên dựa trên THÁNH THỂ và LỜI CHÚA, gồm những việc sau :
1- Ngày Thánh Thể :
Thánh hóa ngày sống bằng kinh nguyện sớm tối. Luôn sống đẹp lòng Chúa bằng cách gia tăng các việc đạo đức, bác ái. Tránh xa những điều làm mất lòng Chúa, những dịp tội. Siêng năng học hỏi Lời Chúa. Kiểm điểm đời sống hằng ngày bằng việc biên sổ kho thiêng.
- Sáng thức dậy : Dâng ngày, tham dự thánh lễ, rước lễ.
- Trong ngày : Sống và làm điều tốt, chu toàn bổn phận. Sẵn sàng vượt qua những khó khăn bằng tinh thần hy sinh, thực hiện việc bác ái . . .
- Đêm xuống : Đọc kinh tối, đọc Lời Chúa, xét mình, biên bó hoa thiêng,
2- Giờ Thánh Thể :
Nhằm giúp các em
- Biết tâm sự với Chúa khi có thể.
- Năng viếng Chúa nơi nhà chầu để giục lòng tin-cậy-mến.
- Thờ lạy, cảm tạ, chiêm ngắm và tâm sự với Chúa.
- Dọn lòng trong sạch để đón rước Chúa ngự vào lòng.
- Nên một với Chúa trong đời sống bác ái, hy sinh và chu toàn bổn phận.
Việc thực hiện giờ Thánh Thể không chú trọng đến thời gian dài hay ngắn, số người nhiều hay ít, hình thức có thể thay đổi tùy nghi. Điều quan trọng là các em thường xuyên đến gần Chúa và tâm sự với Chúa.
3- Lãnh nhận Lời Chúa : ( Học hỏi Lời Chúa)
Trong các buổi hội họp, huấn luyện, Phong Trào hướng dẫn các em :
- Cách đọc, suy niệm, hiểu và sống Lời Chúa.
- Cách cầu nguyện.
- Cách sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể hằng ngày.
- Cách sống đức tin công giáo và sống đạo tự lập.
- Trau dồi kiến thức giáo lý căn bản
Phương pháp này cần có Trưởng am tường Thánh Kinh để hướng dẫn các em thực hiện đúng cách.
4- Khung cảnh Thánh Kinh :
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh. Do đó mọi sinh hoạt của Phong Trào luôn kết nối với cuộc đời của Chúa Giêsu và chia thành 3 giai đoạn theo Ngành .
Khung cảnh Thánh Kinh của các ngành như sau :
- Ngành ẤU : Khung cảnh tuổi ấu thơ của Chúa Giêsu
- Ngành THIẾU : Khung cảnh thời ẩn dật của Chúa Giêsu
- Ngành NGHĨA : Khung cảnh thời rao giảng của Chúa Giêsu
Khung cảnh Thánh Kinh sẽ cung cấp cho các em một lý tưởng sống phù hợp với lứa tuổi, giúp các em bắt chước và học tập cách sống của Chúa Giêsu.
5- Sống bầu khí Thánh Kinh :
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể tạo cho các em sống và sinh hoạt trong bầu khí Thánh Kinh, nghĩa là lấy Thánh Kinh làm nền tảng cho các trò chơi, bài hát, băng reo, các buổi trại, các sa mạc, các chiến dịch thi đua . . . đặt tên cho Đoàn, Đội . . .
Nhờ quen sống và tư duy dựa trên Thánh Kinh, đoàn sinh sẽ dễ dàng vận dụng Thánh Kinh làm mẫu mực cho cuộc sống.
III- PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN :
Nhằm giáo dục các em nên người, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể chú trọng đến đời sống nhân bản của Thiếu nhi dưới 2 khía cạnh :
- Tinh thần : Tinh thần trách nhiệm, lòng hiếu thảo, tính quảng đại, óc phán đoán . . .
- Thể chất : Khéo tay, hay làm, khỏe mạnh, tráng kiện, linh động . .
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng 5 cách sau :
1- Phương pháp hàng đội :
Giúp các em tự tin, có tinh thần đồng đội, trách nhiệm tự quản và chăm sóc lẫn nhau. Đồng thời giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu quả cao bằng cách :
- Chia các em thành từng đội : Từ 7- 10 em cùng phái (ngành Ấu-Thiếu) Từ 5- 8 em cùng phái (ngành Nghĩa sĩ).
- Mỗi đội chọn đội trưởng, đội phó, giao đội trưởng quyền quản đội, giao cho đội viên nhiệm vụ để có thức trách nhiệm
- Huynh Trưởng phải huấn luyện đội trưởng, tin tưởng trao quyền và hướng dẫn để các em giúp nhau, biết cùng làm việc với nhau.
2- Phương pháp tiệm tiến:
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể áp dụng Chương Trình Thăng Tiếnđể huấn luyện sao cho phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi. Chương trình này được soạn theo phương pháp giáo dục tiệm tiến :
- Hướng dẫn các em từ dễ đến khó, từ đơn sơ đến phức tạp và được phân thành 3 cấp:
- Cấp 1, 2 và 3 cho từng Ngành (có 3 ngành : Ấu Nhi – Thiếu Nhi – Nghĩa Sĩ )
( Hiện nay ở nhiều Giáo xứ có lớp Giáo lý Khai tâm cũng được chia theo cấp để giáo dục ).
Chương trình thăng tiến của Phong Trào TNTT có 4 phần chính :
a) Giáo lý : Tín lý, Luân lý, Lịch sử cứu độ, Thánh Kinh, Bí tích Phụng vụ, cầu nguyện.
b) Nhân bản : Đời sống đức dục, tinh thần trách nhiệm.
c) Hiểu biết về Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể : Tôn chỉ – mục đích – đường lối.
d) Các kỹ năng chuyên môn :Thích ứng cuộc sống trong môi trường xung quanh.
3- Phương pháp Hội họp :
Các tín hữu sơ khai dùng các buổi hội họp để “chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông đồ, và trung tín với việc bẻ bánh và cầu nguyện”. Chính trong hình thức cộng đồng đó mà họ được dạy dỗ về đường lối của Chúa.
- Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng các buổi hội họp là môi trường chính cho công việc giáo dục đoàn sinh.
- Là thành viên của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các em phải tham dự các buổi Họp Đội, Chi Đoàn, Phân Đoàn, Xứ Đoàn để học tập, sinh hoạt, gây tinh thần đoàn thể.
- Bất cứ buổi họp nào cũng cần phải có nội dung, tức là phải có chuẩn bị trước, tinh thần buổi họp phải dân chủ, thân ái, đạo đức, vui tươi, sinh động.
- Phải bắt đầu và kết thúc đúng giờ.
4- Sinh hoạt vui tươi :
Một đặc điểm của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là các em Thiếu nhi được sinh hoạt trong bầu khí vui tươi và sinh động. Sử dụng “sinh hoạt” như chất dẫn, chất xúc tác trong việc học giáo lý.
Các sinh hoạt vui tươi là : ca, vũ, trò chơi, băng reo, các kỹ năng giúp các em thêm khả năng thích nghi với cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên sống động, hăng hái, có ý nghĩa.
Ngoài ra, PT còn khuyến khích các Đoàn mở các chiến dịch thi đua trong năm. Tất cả các sinh hoạt nhằm giúp giáo dục các em có tinh thần vui tươi và hăng hái như thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em hãy vui luôn”.
5- Vào sa mạc :
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể coi đây là một phương pháp hữu hiệu để huấn luyện đoàn sinh các cấp. Sa mạc không thể hiểu là một buổi picnic hoặc một buổi họp mặt để chơi, cắm lều, nấu cơm, ăn uống, ca hát rồi ra về…
Vì thế sa mạc phải được chuẩn bị thật chu đáo từ ý lực, nội dung, chương trình, kỷ luật, tinh thần đạo đức và mục đích khi tổ chức.
- Vào sa mạc là dịp để các em hòa mình với môi trường thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, sống với tập thể nhằm giáo dục các em nẩy sinh và phát triển những tâm tình đạo đức, tinh thần thân ái, tập sống kỷ luật và thực hành những gì đã học.
- Giúp các em thoát ra những lo toan hằng ngày, hòa nhập vào bầu khí Thánh Kinh trong sa mạc.
- Phối hợp 2 phương pháp Siêu nhiên và tự nhiên hòa quyện trong sa mạc giúp các em nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của mình.
Việc giáo dục một con người, một người con Chúa đòi hỏi nhiều công sức. Trong phạm vi của PT-TNTT, chúng ta vui mừng vì đã đóng góp cho Giáo Hội, những thành quả của mình trong việc giáo dục các em lứa tuổi thiếu nhi trong gần 100 năm qua.